Posted inGiới thiệu

Tên tuổi và sự nghiệp Lê Trung Đình trong Lịch sử và truyền thống của nhà trường

2812 lượt xem

Lê Trung Đình hiệu Long Cang, sinh năm Đinh Tỵ 1857 (1), mất năm Ất Dậu 1885, quê làng Phú Nhơn, huyện Bình Sơn, nay thuộc phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi.

Đối với người dân Quảng Ngãi thì tên tuổi Lê Trung Đình từ thuở nào đã khá quen thuộc, một đường phố sầm uất – xưa kia là đường vào cửa Tây thành Quảng Ngãi – mang tên Lê Trung Đình. Ngày nay không nhiều người biết Lê Trung Đình còn được đặt tên cho một trường trung học ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Trường trung học tư thục Lê Trung Đình.

Lê Trung Đình hiệu Long Cang, sinh năm Đinh Tỵ 1857, mất năm Ất Dậu 1885, quê làng Phú Nhơn, huyện Bình Sơn, nay thuoäc phöôøng Tröông Quang Troïng, thaønh phoá Quaûng Ngaõi. Lê Trung Đình là con thứ sáu và là con trai thứ ba của cụ Lê Trung Lượng, một gia đình khoa bảng và nổi tiếng khí tiết. Cụ Lê Trung Lượng đỗ cử nhân khoa Nhâm Tý – 1852 tại trường thi hương Bình Định, ra làm quan và nổi tiếng thanh liêm, trung nghĩa. Khi làm quan tri huyện ở Nam Đàn (Nghệ An), cụ có công khẩn hoang lập được 12 xã và được dân 12 xã ấy tôn làm “Phước hiền”. Em Lê Trung Đình là Lê Trung Kinh cũng đổ cử nhân, khoa Quý Mão 1903, nhưng không chịu ra làm quan bù nhìn cho thực dân Pháp.

Thuở nhỏ, Lê Trung Đình có tướng mạo khôi ngô và nổi tiếng học giỏi, nhưng thi cử lận đận, bị đánh rơi qua các khoa Kỹ Mão 1879, Nhâm Ngọ 1882, đến khoa Giáp Thân 1884 mới đổ Cử nhân, xếp thứ 17 trong 18 người thi đỗ. Ước mơ đổ thủ khoa ấp ủ từ lâu không thực hiện được. Nhưng Lê Trung Đình không còn bận tâm lắm với khoa cử, quan trường, vì thời thế lúc này đã choán hết suy nghĩ của ông, giặc Pháp sau khi đánh chiếm xong Nam Kỳ, Bắc kỳ đã tiếp tục dã tâm cướp toàn bộ nước ta. Chúng bắt triều đình Huế ký hoà ước Quý Mùi 1883 rồi hoà ước Giáp Thân 1884 – đúng vào năm Lê Trung Đình đi thi và đổ cử nhân.

Về quê, Lê Trung Đình kết giao cùng các chí sĩ lập Nghĩa hội, cùng Tú tài Nguyễn Tự Tân xây dựng chiến khu Tuyền Tung (Bình Sơn) chiêu tập hương binh và trở thành thủ lĩnh.

Sau khi kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi xuất bôn và hạ chiếu Cần Vương vào ngày 7.7.1885. Chỉ sau 6 ngày, ngày 13.7.1885 (1.6 Ất Dậu), chánh quản hương binh Lê Trung Đình và phó quản Nguyễn Tự Tân đã kéo 3000 hương binh từ Tuyền Tung về đánh chiếm được thành Quảng Ngãi từ tay bọn quan lại ươn hèn và tích cực chuẩn bị chống Pháp. Nhưng nghĩa quân chỉ làm chủ được 5 hôm.

Ngày 5. 6 Ất Dậu, tên việt gian Nguyễn Thân (trước cũng có chân trong Nghĩa hội) đã phản bội kéo quân Sơn phòng của Triều đình từ Vạn Lý (phía tây Đức Phổ ngày nay) về đàn áp đẫm máu. Phó quản Nguyễn Tự Tân và nhiều thủ lĩnh khác bị chém. Chánh quản Lê Trung Đình bị bắt sống và tống giam. Thân ra sức dụ dỗ nhưng không lay chuyển được ý chí của Lê Trung Đình.

Ngày 12. 6 Ất Dậu, ông ung dung ra pháp trường, ứng khẩu đọc bài thơ tuyệt mệnh:

Kim nhật lung trung điểu,

Minh triêu trở thượng ngư.

Thử thân hà túc tính,

Xã tắc ai kỳ khu.

Bản dịch:

Nay là chim trong lồng,

Mai đã cá trên thớt.

Thân này tiếc gì đâu,

Chỉ thương tình đất nước.

( Hoàng Tạo dịch )

Khởi nghĩa Cần Vương do Lê Trung Đình và Nguyễn Tự Tân lãnh đạo được xem như một trong những cuộc khởi nghĩa Cần Vương sớm nhất ở Trung kỳ.

Lê Trung Đình là thủ lĩnh tiên phong và đầy khí tiết trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của nhân dân Quảng Ngãi, là tấm gương sáng để các anh hùng nghĩa sĩ  Quảng Ngãi sau này tiếp tục đứng lên xã thân vì nước, từ phong trào Cần Vương đến Duy Tân, từ Việt Nam Quang phục hội đến Đảng cộng sản việt Nam. Tính tiên phong và khí tiết đó được tiếp nối mãi về sau như một truyền thống của nhân dân Quảng Ngãi, hưởng ứng phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, với khởi nghĩa Ba Tơ 11/ 3/1945, Cách mạng tháng Tám 14/ 8/1945, khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi 28/ 8/1959…

Bởi thế, sau cách mạng tháng Tám, chính quyền Cách mạng đổi tên tỉnh Quảng Ngãi thành tỉnh Lê Trung Đình; một đường phố sầm uất vào bậc nhất của thị xã Quảng Ngãi, nay là thành phố Quảng Ngãi được đặt tên là đường Lê Trung Đình và một trường trung học tư thục lớn của tỉnh Quảng Ngãi lúc bấy giờ cũng mang tên Lê Trung Đình (2).

Trường trung học tư thục Lê Trung Đình được Việt Minh tỉnh Quảng Ngãi thành lập, đặt tại tỉnh lỵ Quảng Ngãi, do ông Lê Hồng Long – thường vụ Việt Minh phụ trách, thầy Nguyễn Biên làm Hiệu trưởng. Sau khi tiêu thổ kháng chiến, trường chuyển vào thị trấn Sông Vệ  (trên cầu An Tổng, nay thuộc xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa). Đến mùa hè 1948, trường giải thể và sáp nhập vào trường trung học Lê Khiết.

Ngày 20 tháng 8 năm 1993, thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục của Đảng và Nhà nước, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định thành lập trường trung học phổ thông bán công Lê Trung Đình, đặt tại 99 Hùng Vương, thị xã Quảng Ngãi, nay là thành phố Quảng Ngãi. Trước yêu cầu phát triển của ngành GD và ĐT và của nhà trường,  ngày 27 tháng 11 năm 2003, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra Quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng mới trường THPTBC Lê Trung Đình tại phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi; đặc biệt, ngày 26/11/2008, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra Quyết định số 2088/QĐ-UBND, chuyển đổi trường THPTBC Lê Trung Đình thnh trường trung học phổ thông công lập đầu tiên của tỉnh. Một lần nữa, tên tuổi của Lê Trung Đình lại được gắn liền với sự nghiệp giáo dục – đào tạo của Đảng, của nhân dân tỉnh nhà và của nhà trường.

 Nêu cao tinh thần hiếu học, tấm lòng yêu nước tha thiết của Lê Trung Đình, kế tục các thế hệ thầy, trò trường THPT Lê Trung Đình thuở trước, qua ba mươi năm xây dựng, trưởng thành và định hướng phát triển lâu dài, thầy và trò trường THPT Lê Trung Đình sẽ quyết tâm vượt qua khó khăn, phấn đấu xây dựng cơ sở vật chất ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; giáo dục và rèn luyện các thế hệ học sinh Lê Trung Đình trong thời đại Hồ Chí Minh, vừa hồng vừa chuyên, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tên tuổi và sự nghiệp của chí sĩ yêu nước Lê Trung Đình mãi mãi gắn liền với  mỗi thành tựu giáo dục và đào tạo của nhà trường hôm nay và mai sau.

Tác giả: Thầy Huỳnh Dân – Nguyên Hiệu trưởng nhà trường

(1) Có ý kiến cho rằng Lê Trung Đình sinh năm 1863

(2) Xem Phạm Trung Việt – Khuôn mặt Quảng Ngãi 1764-1916, xuất bản 1973, và trường Lê Khiết từ năm 1945 đến nay, (Sở GD-ĐT Quảng Ngãi xuất bản năm 2002)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *